Sunday, 7 June 2009

Làm Tôi Thiên Chúa Hay Làm Tôi Tiền Của



Làm Tôi Thiên Chúa Hay Làm Tôi Tiền Của
Gửi bởi:
giaan, Ngày đăng: 15/02/2009, Lần xem: 94, Thảo luận: 1 lượt.
Sẽ thật đáng tiếc, nếu chúng ta muốn tìm bình an cho tâm hồn mình ngay trong đời sống này nhưng chúng ta lại không muốn thoát khỏi thân phận tôi đòi của tiền của vật chất. Sẽ thật đáng thương khi chúng ta tưởng mình có nhiều thứ, mà không nhận ra rằng mình đang bị chiếm hữu bởi nhiều thứ.
LÀM TÔI THIÊN CHÚA
hay
LÀM TÔI TIỀN CỦA
Các bạn thân mến !
Bước chân vào đời, chúng ta thường phải sống giữa những dằng co của chọn lựa. Dường như chọn lựa nào cũng đi đôi với một từ bỏ. Vì thế, đã không ít lần chúng ta phải lúng túng trong những chọn lựa của đời mình. Thực tế, có những lựa chọn cho tôi tự do và vui sống, nhưng cũng có những lựa chọn biến tôi thành nô lệ. Trong chương trình hôm nay, mời các bạn cùng chúng tôi nhìn lại những chọn lựa của đời mình, những ảnh hưởng vẫn thường thấy khi chúng ta phải chọn lựa, những tác nhân đã đi vào cuộc đời và có khả năng chi phối trọn vẹn đời sống của chúng ta.
Trong Tin Mừng của Thánh Matthêu chúng ta đọc thấy những chỉ dẫn sau đây của Đức Giêsu:
“Không ai có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, sẽ gắn bó với chủ này mà khinh chủ nọ. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi tiền của được”(Mt 6, 24).
Có lẽ nhiều người sẽ có cảm giác không thoải mái lắm khi nghe Lời Tin Mừng trên, nhất là đụng tới hai chữ làm tôi. Chúng ta thường thích làm chủ hơn là làm tôi. Cái tôi của người trẻ đôi khi to lắm, nên chúng ta không muốn làm tôi làm tớ cho ai hết.
Quả thực, Thiên Chúa cũng không muốn tôi sống kiếp của một người tôi tớ. Tạo dựng con người, Thiên Chúa đặt vào con người mọi sự, cùng với một lời chúc phúc: hãy làm chủ mọi loài (St 1, 28). Cho tôi vào đời, Thiên Chúa cũng đặt vào tay tôi mọi sự, chỉ với một điều kiện: tôi hãy sống như một người chủ chứ đừng quá lệ thuộc vào vật chất của cải mà phải sống kiếp tôi đòi. Thế mà trong cuộc đời của mình, nếu đủ thật tâm, tôi dễ nhận ra rằng mình đã chọn làm tôi cho nhiều thứ khác nhau, nhiều ông chủ khác nhau. Ông chủ của tôi có thể là tiền bạc, khi tôi hết lòng hết sức làm việc để mong chiếm hữu được thật nhiều tiền của vật chất. Ông chủ của tôi có thể là danh vọng, khi tôi tìm đủ mọi cách để đánh bóng mình trước mắt mọi người. Ông chủ của tôi có thể là tình dục và những khoái lạc xác thịt, là những điều nhẹ nhàng đi vào cuộc đời tôi, để rồi sau đó trói ghì tôi lại trong cái vòng xiết càng ngày càng chặt của nó. Ông chủ của tôi còn có thể xuất hiện dưới nhiều dáng dấp khác nhau: một chiếc điện thoại cao cấp, một chiếc xe hợp thời, một ngôi nhà tiện nghi… Giữa cuộc sống hiện đại, những ông chủ ấy đi vào cuộc đời tôi, dần dần chiếm hữu trọn vẹn tâm trí của tôi, thu hút toàn bộ năng lực của tôi, dần dần biến thành mục đích sống duy nhất của đời tôi.
Dĩ nhiên, để có thể sống và sống hạnh phúc giữa cuộc đời, chúng ta chẳng bao giờ có quyền phủ nhận giá trị của vật chất của cải và những tiện nghi. Thế nhưng, chúng ta cũng có quyền đặt tất cả những phương tiện ấy vào đúng vị trí mà chúng đáng có.
Nhìn vào những chuyện đời, chúng ta thấy có những người đã hy sinh cả một cuộc đời chỉ để lo làm giàu, cho đến khi được sống ê hề trên đống của cải vật chất, họ mới ngỡ ngàng nhận ra cái phù phiếm của những gì mình đã gắng công đeo đuổi suốt đời. Có những người lao tâm khổ tứ trước cơn cám dỗ hấp dẫn của tiền bạc, để rồi sau một tai nạn nho nhỏ, họ chợt nhận ra rằng tất cả chỉ là phù vân. Sau một đời lao nhọc để làm thỏa mãn những tham lam ôm đồm của lòng mình, có người phải đau đớn thừa nhận rằng mình chẳng thể nào nắm giữ được tất cả chỉ bằng đôi tay giới hạn của mình.
Chúng ta hẳn biết câu ngạn ngữ: tiền bạc là một đầy tớ tốt, nhưng là một ông chủ hà khắc. Vâng, tiền của vật chất có thể ở vai trò của một người đầy tớ, nhưng cũng có thể nắm vai trò của một ông chủ. Đúng ra, cái nguy hiểm không hẳn nằm ở tiền bạc, nhưng nằm con tim mỏng manh mà tham lam của tôi. Một khi tiền bạc và những của cải vật chất đã chiếm được một góc nào đó trong con tim tôi, tôi rất dễ làm một cuộc hoán đổi vị trí và tôn tiền bạc lên làm ông chủ của mình.
Tin Mừng Maththêu kể chuyện một người thanh niên tốt lành, muốn trở nên hoàn thiện để được Nước Trời làm gia nghiệp. Thế mà khi phải đối diện với yêu cầu mà Đức Giêsu đưa ra là hãy về bán hết tài sản của mình để cho người nghèo rồi đi theo Người, thì anh ta sa sầm nét mặt và bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải, vì anh ta yêu quý những của cải của đời mình (Mt 19, 21-22). Cách của Đức Giêsu là thế ! Đôi khi Ngài rất thích đụng chạm tới những điều tôi coi là quý nhất, những điều tôi tưởng là quan trọng nhất trong đời mình. Giêsu cho tôi một liều thuốc thử, để tôi có thể nhận ra mình đã trở nên gắn bó với những thứ mình có đến độ nào. Sẽ thật đáng tiếc, nếu chúng vẫn cứ phản ứng giống người thanh niên trong tường thuật của Matthêu. Chúng ta muốn được Nước Trời làm gia nghiệp. Chúng ta muốn tìm một bình an cho tâm hồn mình ngay trong đời sống này. Nhưng chúng ta lại không muốn thoát khỏi thân phận tôi đòi của tiền của vật chất. Sẽ thật đáng thương khi chúng ta tưởng mình có nhiều thứ, mà không nhận ra rằng mình đang bị chiếm hữu bởi nhiều thứ.
Lạy Chúa,
Chúa đã cho chúng con vào đời tay với hai bàn tay trắng.
Phải chăng vì cảm nhận được sự nghèo nàn trắng tay của mình,
mà chúng con luôn muốn ôm đồm chộp giữ
để xây dựng cho mình những kho tàng trần gian?
Lạy Chúa,
được làm người, được làm con Chúa
đã là một ân huệ quá lớn lao cho chúng con
Hành trang quý giá mà chúng con luôn có bên mình
chính là Tình Yêu của Chúa.
Xin cho chúng con đừng bao giờ đánh đổi phẩm vị làm con Chúa
chỉ để vơ vào mình những nắm giữ phù du.
Xin cho tình yêu thế gian vật chất
ngày một nhỏ dần trong lòng chúng con,
để Tình Yêu Chúa được lớn lên trong chúng con mỗi ngày. Amen.
Bài hát kết thúc : NẾU BẠN ĐÁNH MẤT CHÚA GIÊSU
Nhạc : Ngoại Quốc
Lời Việt : Thảo Lan
Ca sĩ : Hữu Chương – Nguyên Thủy
RADIO VATICANA
MỤC : HÃY HỌC CÙNG GIÊSU
PHỤ TRÁCH : LƯU MINH GIAN
Liên lạc : hayhoccunggiesu@gail.com
giaan
source
http://sinhvienconggiao.net/19/2945/LamToiThienChuaHayLamToiTienCua.aspx

No comments:

Post a Comment